Lịch sử hình thành và phát triển của áo dài Việt Nam vẫn còn đang được các nhà nghiên cứu tìm tòi, bổ sung. Sự thăng trầm và những biến đổi không ngừng của chiếc áo dài đã định hình một nét văn hóa đặc sắc, mang dấu ấn văn hóa Việt. Những giá trị lịch sử, văn hóa của áo dài đã từng bước được nhân dân Việt Nam khẳng định, được bạn bè thế giới ủng hộ và tôn vinh.
Áo tứ thân ra đời vào thế kỷ 17. Thời này do khổ vải dệt chỉ từ 35 - 40 cm, nên thân áo trước là hai tà tách riêng, thân áo sau được khâu ghép lại với nhau. Ngày nay, áo dài tứ thân được mặc trong các dịp lễ hội truyền thống.
Áo dài năm thân gồm hai khổ vải được may nối lại với nhau thành thân trước kín đáo, có một thân phụ nằm dưới về phía bên phải. Bốn thân áo bên ngoài tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu là cha mẹ mình và cha mẹ người thương, còn thân áo thứ năm tượng trưng cho người mặc. Áo luôn có 5 cúc (khuy) cài áo thể hiện đạo lý làm người của người Việt Nam là nhân - lễ - nghĩa - trí - tín.
Áo dài vương triều nhà Nguyễn vào thế kỷ 19. Áo dài được may bằng các loại vải quý giá, thêu hay dệt những hoa văn trang trí hình chim phượng, con dơi, mặt trời, trái bầu, hoa trái và bát bửu, màu ngũ sắc… bên trong có lớp lụa lót.
Áo dài tân thời hay áo dài Lemur xuất hiện vào những năm 1930 do họa sĩ Nguyễn Cát Tường vẽ kiểu. Ông đã tạo kiểu và tạo dáng: có cổ, không cổ, có tay, tay ngắn, không tay, vai bồng, vai xẹp, cổ tay xoè, không xòe, có khuy, không khuy, vạt áo dài, vạt áo ngắn…
Áo dài cổ cao xuất hiện vào những năm 1950, được may chít eo, ôm sát vào người. Cổ áo rất cao, kiểu áo dài này tôn lên rất nhiều vẻ đẹp hình thể và dáng vóc của người mặc.
Vào cuối những năm 1950, thời trang áo dài bắt đầu thịnh hành. Đó cũng là thời điểm ông Đỗ Thành áp dụng lối ráp tay raglan xéo vai trong âu phục vào áo dài, để phần nách áo dài bớt nhăn. Sự đóng góp của ông Đỗ Thành trong việc cải tiến áo dài và sử dụng phổ biến cho đến ngày nay đã được ghi nhận trân trọng.
Áo dài cổ thuyền xuất hiện vào cuối những năm 1950. Áo dài đã gây chấn động trong thế giới thời trang quý bà. Áo dài cổ thuyền phù hợp với thời tiết nóng bức của miền Nam nên vẫn được phổ biến đến ngày nay.
Áo dài hippy vào cuối những năm 1960. Áo dài ảnh hưởng bởi trào lưu văn hóa và thời trang Hippies bắt nguồn từ Mỹ. Vạt áo may hẹp và ngắn đến đầu gối, thân áo rộng lượn theo dáng người và không chít eo, cổ áo thấp, quần được may rất dài với ống rộng đến 60cm, hoặc mặc với quần tây. Kiểu áo dài này thịnh hành mãi đến giữa thập niên 1990.
Áo dài vẽ xuất hiện vào cuối những năm 1980, do họa sĩ, nhà thiết kế thời trang Sĩ Hoàng đưa ngôn ngữ hội họa vào trang phục áo dài truyền thống. Mở đầu cho một trào lưu áo dài được vẽ bằng tay trên vải với những trang trí hình hoa lá, lập thể, hoa văn cổ, phong cảnh…
Áo dài thổ cẩm những năm 1990 được thiết kế bởi Nhà thiết kế Đặng Thị Minh Hạnh. Bà đã sử dụng thổ cẩm của người đồng bào thiểu số Việt Nam. Vải dệt thủ công có họa tiết nổi lên mặt vải giống như được thêu theo phương pháp truyền thống của các dân tộc ít người.