Áo dài là di sản tự hào của dân tộc Việt, là sự ngưỡng mộ của thế giới khi một lần được ngắm nhìn. Vẻ đẹp của áo dài đã chinh phục rất nhiều chính khách và nhân dân các nước bạn. Các hoạt động hợp tác quốc tế được Bảo tàng Áo dài xem như một trong những chiến lược quan trọng để Áo dài được bạn bè thế giới biết đến như một trang phục dân tộc chính thức của Việt Nam.
Bảo tàng Áo Dài luôn nỗ lực hợp tác, thực hiện và tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa thiết thực cùng với các cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế, nhằm đưa áo dài trở thành một "sứ giả văn hóa", tạo ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế. Từ đó xây dựng quảng bá hình ảnh văn hóa dân tộc, phục vụ lợi ích quốc gia.
Trong những năm qua, Bảo tàng Áo Dài không ngừng chủ động mở rộng các mối quan hệ với các Hội hữu nghị, tổ chức quốc tế, lãnh sự quán các nước như Nhật, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Campuchia… Qua đó tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, giao lưu văn hóa thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng như một số sự kiện nổi bật:
Cuộc triển lãm “Áo dài và Saree” và đêm trình diễn 2016 đã giúp cho nhân dân hai nước Việt Nam - Ấn Độ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của áo dài lộng lẫy được thiết kế từ vải Ấn Độ.
Liên tiếp năm 2018 và 2019, Hiệp hội hoa vải truyền thống Tsumami (Nhật Bản) đã phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản TP. HCM và Bảo tàng Áo Dài tổ chức thiết kế, trình diễn và trưng bày những tà áo dài Việt Nam đính hoa vải Tsumami Nhật Bản.
Ông Junichi Kawaue, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Tp.HCM đã ca ngợi: “Mỗi bông hoa Tsumami trên tà áo dài chính là một mầm ươm tình hữu nghị...”
Vào tháng 4/2022, Bảo tàng Áo Dài phối hợp cùng Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP. HCM, Tổng lãnh sự quán Indonesia tại TP. HCM tổ chức giao lưu Áo dài – Batik. Đây là lần đầu tiên chiếc áo dài Việt Nam được tạo nên từ nghệ thuật batik của các nghệ nhân ở Indonesia.
Thông qua mỗi dự án do Bảo tàng Áo dài khởi xướng, mối quan tâm tìm hiểu về Việt Nam từ hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với những giá trị văn hóa độc đáo ngày càng thu hút được sự quan tâm của công chúng quốc tế. Các chương trình không chỉ nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhân viên Bảo tàng mà còn thúc đẩy cầu nối giao lưu, đưa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt, cùng kết hợp làm phong phú bản sắc dân tộc, kiến tạo những sản phẩm văn hóa “thuần Việt” mang sức hút khác biệt góp vào bức tranh đa sắc màu của nền văn hóa thế giới.
Bên cạnh mục tiêu tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, định hướng hợp tác quốc tế của Bảo tàng còn mang ý nghĩa chung sức nâng cao hình ảnh quốc gia, hưởng ứng chủ trương của Chính phủ trong việc tăng cường ngoại giao văn hóa, củng cố quyền lực mềm ở môi trường quốc tế, thắt chặt quan hệ giữa Việt Nam với các nước.