Triển lãm “Lịch sử Áo Dài” nhằm giới thiệu tới công chúng quá trình hình thành và phát triển của chiếc áo dài Việt Nam qua các thời kỳ. Sự thăng trầm và những biến đổi không ngừng của chiếc áo dài đã định hình thành một nét văn hóa đặc sắc, mang đặc trưng văn hóa Việt. Những giá trị lịch sử, văn hóa của áo dài đã từng bước được nhân dân Việt Nam khẳng định, được bạn bè thế giới ủng hộ và tôn vinh.
Thông qua các hiện vật áo dài, Bảo tàng giới thiệu đến công chúng về câu chuyện cuộc đời và những đóng góp cho quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước của các nhân vật ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó có: áo dài của Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân - Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Trương Mỹ Hoa, Thầy thuốc nhân dân Tạ Thị Chung, NSND Bảy Nam, GS. Lê Thị Hợp,…
Việt Nam có 14 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong đó có 7 loại hình sử dụng áo dài trong quá trình biểu diễn. Tại khu vực dãy nhà Hội An hiện đang trưng bày và giới thiệu áo dài gắn liền với 4 loại hình di sản văn hóa phi vật thể là: Hát xoan, Dân ca Quan họ, Dân ca Ví – giặm và Đờn ca tài tử.
Triển lãm trưng bày, giới thiệu nội y của phụ nữ Việt Nam sử dụng cùng với áo tứ thân và áo dài.
Giới thiệu các sản phẩm gốm của đồng bào dân tộc Chăm ở làng Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận với những kỹ thuật chế tác từ thời sơ sử còn lưu lại rất hiếm hoi của khu vực Đông Nam Á và thế giới. Phòng trưng bày Gốm Bàu Trúc là sự kết hợp giữa gốm truyền thống của đồng bào Chăm và gốm được bổ sung, sáng tạo nghệ thuật của nhà thiết kế Sĩ Hoàng.